Trọng tài VFF bị đấm gục trên sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM
Đoạn clip cầu thủ Hồng Quang đấm gục trọng tài futsal của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều khán giả bất bình khi xem cảnh bạo lực này.
Trọng tài VFF đổ gục
Phút 19 trong trận đấu giữa đội Cealdon với đội Doanh Nhân Quảng Ngãi (DNQN), trọng tài Lê Thế Kiệt thổi phạt một tình huống va chạm của cầu thủ hai đội. Đội DNQN phản ứng mạnh khi đang thua 0-2.
Cầu thủ Hồng Quang tỏ thái độ bất bình nhất. Anh cho rằng đối thủ tự ngã chứ đồng đội không phạm lỗi. Không thuyết phục được trọng tài, anh còn xúc phạm và lãnh thêm thẻ vàng.
Nhận chiếc thẻ vàng này, số 7 của DNQN càng phản ứng mạnh. Dù được mọi người can ngăn nhưng Hồng Quang vẫn quay lại rồi bất ngờ tung cú đấm móc bằng tay trái vào mặt trọng tài.
Trọng tài Lê Tuấn Kiệt đổ gục xuống sân vì choáng. Ban tổ chức phải gọi đội y tế vào săn sóc cho trọng tài đang thuộc biên chế Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF, thành viên của VFF).
Sau khi hành hung trọng tài, Hồng Quang chưa nguôi giận và được các đồng đội kéo ra khỏi sân. Trong khi đó, trọng tài Tuấn Kiệt tỉnh táo nhưng không thể tiếp tục làm nhiệm vụ.
Trước khi chuyển sang làm trọng tài bàn, trọng tài futsal của VFF trực tiếp rút thẻ đỏ từ xa cho số 7 của DNQG. Cầu thủ Hồng Quang không hài lòng nên tiếp tục lấn tới để dằn mặt trọng tài.
Cầu thủ này cởi áo và mang ba lô đi ra khỏi sân. Khi đi ngang qua bàn trọng tài, anh bất ngờ lao đến tính tấn công trọng tài. May mắn là một đồng đội đã ngăn cản kịp thời.
Bạo lực bóng đá phủi
Trọng tài chuyên nghiệp của các giải bóng đá Việt Nam thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài chuyên nghiệp. Vì vậy, có không ít trọng tài V-League, trọng tài futsal bị hành hung.
Trọng tài futsal Lê Tuấn Kiệt là trọng tài VFF từ năm 2017. Anh thường làm nhiệm vụ ở các giải futsal chuyên nghiệp, các giải đấu trong nhà và thỉnh thoảng thổi các trận đấu sân 11 người.
Tuấn Kiệt cho biết: "Sức khỏe của tôi bình thường. Cú đấm gây choáng chứ không có tổn thương nặng. Sau khi bị đấm, tôi chuyển sang trọng tài bàn và các đồng nghiệp tiếp tục điều hành trận đấu".
Nhiều khán giả xem livestream trận đấu không khỏi sốc khi thấy hình ảnh bạo lực này. Họ cho rằng hành động của cầu thủ Hồng Quang là quá phi thể thao hoặc bình luận kiểu "doanh nhân hay côn đồ".
Các giải đấu phong trào có mục đích vui vẻ, là sân chơi giao lưu nhưng cũng xuất hiện không ít cảnh bạo lực. Nhiều cầu thủ nghiệp dư không kiểm soát bản thân và hành động quá trớn.
Trong khi đó, các giải đấu phong trào không quá chú trọng công tác an ninh, không có ai đứng ra bảo vệ trọng tài nói riêng và các thành viên tham dự nói chung như các giải chuyên nghiệp.
Ngoài ra, người tham gia khi có những hành động gây tổn hại đến sức khỏe người khác cũng không bị truy cứu trách nhiệm. Điều này dẫn đến tình trạng bạo lực trên sân bóng đá phủi ngày càng tăng.
Post a Comment